Airbnb cũng đã tạo ra một kênh đầu tư mới cho rất nhiều người với số vốn bỏ ra ban đầu không quá cao, giúp cho người có nhà đất nhàn rỗi có thể kiếm thêm thu nhập, đồng thời cho phép người đi thuê có được chi phí thấp hơn và tiếp cận đặc trưng văn hóa tại nơi đang thuê.
Xem thêm: Ký quỹ, hình thức giao dịch BĐS an toàn
Airbnb là gì?
Trước sự bùng nổ và chi phối của công nghệ thông tin trong cuộc sống con người, việc ứng dụng những mô hình kinh doanh mới thông qua công nghệ trở thành xu hướng phát triển trong ngành bất động sản – du lịch – khách sạn – nhà hàng ngày nay. Uber, Grab hay Airbnb là những minh chứng điển hình.

Airbnb là viết tắt của cụm “Air Bed and Breakfast”. Airbnb được thành lập nhằm kết nối trực tiếp người sở hữu bất động sản và người có nhu cầu về nhà ở thông qua một ứng dụng. Việc thanh toán phí thuê được thực hiện thông qua Airbnb, thẻ tín dụng hoặc một đơn vị trung gian. Ứng dụng này do Aribnb. Inc phát triển, công ty Aribnb có trụ sở chính đặt tại thung lũng Silicon Valley, California.
Xuất phát từ ý tưởng “chia sẻ không gian” của hai nhà sáng lập Joe Gebbia và Brian Chesky, Airbnb hiện có mặt tại hơn 34.000 thành phố của 190 quốc gia, phục vụ hơn 60 triệu khách hàng. Theo một thống kê gần đây, Airbnb phục vụ trung bình hơn 140.000 người/ngày.
Tháng 11 năm 2010, Airbnb nhận tài trợ 7,2 triệu USD. Dịch vụ “chia sẻ chỗ ở” này lan rộng đến 89 quốc gia khác ngoài Mỹ và ghi nhận hơn 1 triệu đêm lưu trú được đặt qua ứng dụng. Tháng 7 năm 2011, một nhóm các quỹ đầu tư tại thung lũng Silicon “rót” 112 triệu USD vào mô hình này, định giá công ty tại thời điểm nhận tài trợ chạm mốc hơn 1 tỉ USD – chính thức hóa “startup kỳ lân” tại Mỹ (công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trị giá từ 1 tỉ USD).
Airbnb thu hút khoảng 5 triệu người dùng tìm đến dịch vụ để đặt phòng hồi tháng 5 năm 2012. Một tháng sau, con số này đã tăng lên gấp đôi. Với mức vốn bỏ ra ban đầu khá thấp và nhu cầu về nhà ở tăng cao, mô hình kinh doanh này đang được giới trẻ và các hộ gia đình lựa chọn đầu tư để tạo thêm thu nhập.
“Việt Nam hiện được Airbnb xếp vào hàng ngũ các quốc gia có lượng người ứng dụng mô hình này để kinh doanh chuyên nghiệp thuộc hàng cao trên thế giới”.

Airbnb ngày càng phát triển
Những năm gần đây, tại các quốc gia như Mỹ, Úc, Thái Lan, Singapore, Pháp…, hệ thống các khách sạn phải chia sẻ thị phần với Airbnb bởi nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao. Pháp là một ví dụ điển hình. “Airbnb đã thay đổi cuộc sống của chúng ta”,
Airbnb bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2014. Chỉ tính đến tháng 6 năm 2017 đã xuất hiện khoảng 6.500 phòng cho thuê thông qua Airbnb và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy, tính tới tháng 8 năm 2018, Hà Nội và TP.HCM ghi nhận con số này tăng lên gấp 3 lần với 21.994 lượt đăng ký cho thuê trên Airbnb, trong khi số phòng của các khách sạn 4 – 5 sao hiện hữu trên địa bàn chỉ 17.426 phòng; riêng TP.HCM có 341 khách sạn từ 2 – 4 sao, với 16.912 phòng.
Tổ chức Du lịch Thế giới vừa qua đã xếp Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trên thế giới, và du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về cả lượng và chất. Trong những năm gần đây, trung bình lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng khá nhanh, chạm mốc 10 – 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47 – 48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Điều này trở thành một trong những điều kiện lý tưởng để Airbnb Việt Nam mở rộng mô hình thành ngành nghề chuyên nghiệp.
Rất nhiều gia đình bắt đầu tận dụng phòng trống, nhà trống để đăng ký kinh doanh cho thuê phòng trên Airbnb nhằm phục vụ khách du lịch. Theo AirBnb, Airbnb Hà Nội, Airbnb Hồ Chí Minh, Airbnb Nha Trang và Airbnb Đà Lạt đang có dấu hiệu tăng trưởng “nóng” vì đây đều là các điểm du lịch nổi tiếng tại thị trường Việt Nam. Cụ thể một người chủ nhà (host) thuộc hệ thống Airbnb tại Việt Nam kiếm được bình quân 645 USD hàng tháng, tức khoảng 14 triệu đồng. Giá thuê phòng trung bình là 55 USD/đêm, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng. Tỷ lệ thuê phòng bình quân hàng tháng 64%, chiếm khoảng 19/30 ngày.
Theo CBRE Việt Nam, dịch vụ “chia sẻ chỗ ở” Airbnb ghi nhận sự phát triển nhanh chóng tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt đối với các dịch vụ kinh doanh khách sạn truyền thống mặc dù chỉ mới xuất hiện trong vòng 4 năm trở lại đây. Chính nhờ sự cạnh tranh mà các chủ thuê luôn “làm mới” dịch vụ của mình nhằm tạo sự khác biệt thu hút khách thuê.
Tuy nhiên, CBRE dẫn chứng rằng giá cho thuê trung bình của Airbnb tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá cho thuê của khách sạn 4 – 5 sao (36 USD với 106 USD tại Hà Nội, 44 USD với 108 USD tại TP.HCM). Tại thị trường Việt Nam, nền tảng này hiện chỉ đang cạnh tranh trực tiếp với khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn do có sự tương đồng trong mức giá, và chưa tạo nhiều thách thức cho phân khúc 4 – 5 sao.
Tương lại homestay từ Airbnb
Vì vậy, loại hình được cho là còn nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 27% trong 2 năm vừa qua, nằm trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.
CBRE cho biết, cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi cơ chế hoạt động của ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Các chủ đầu tư và đơn vị quản lý khách sạn đang thay đổi cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng trẻ, những người đang dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh và Internet hơn bao giờ hết.
Sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến, cũng như sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm tới những người theo dõi họ và các công nghệ mới đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của khách sử dụng khách sạn. Các đại lý đặt phòng trực tuyến như Booking và Agoda đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến cho rất nhiều du khách, trong khi các nền tảng kinh tế chia sẻ cũng đang tạo ra những chuyển biến đáng kể trong ngành du lịch của Việt Nam.
(Tổng hợp từ internet)